Phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khẳng định, CCHC là vấn đề rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Bộ máy Nhà nước, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện trên cả 06 nội dung CCHC. Trong đó, công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách chế độ công vụ có nhiều cải thiện; góp phần quan trọng vào ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, TTHC vẫn còn rườm rà, môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng; người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều gian nan khi giải quyết hồ sơ TTHC ở một số lĩnh vực; kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi còn chưa nghiêm, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chưa được giải quyết triệt để… Những tồn tại, hạn chế đó cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ và các địa phương, nhất là người đứng đầu cần phải nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng và sức lan tỏa của CCHC đối với sự phát triển của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay; phải đẩy mạnh hơn nữa và triển khai một cách toàn diện, đồng bộ 6 nội dung CCHC để tạo ra đột phá, nhất là cải cách TTHC đối với người dân, doanh nghiệp tại cơ sở. Trong đó, xác định cải cách thể chế đó là nền tảng; Cải cách TTHC là trọng tâm; Cải cách chế độ công vụ là động lực; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số,.. Các bộ ngành, địa phương phát huy vai trò, tư duy cách làm, không đùn đẩy trách nhiệm; tiến hành rà soát và hoàn thiện, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp luật và triển khai thực hiện. Khi xây dựng ban hành cần chú trọng công tác phân cấp, phân quyền, giảm chi phí và kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết đối với người dân và doanh nghiệp,…/.

Hữu Ngọc