Sản xuất giá thể phục vụ trồng trọt từ phân chim yến

Tại đây, Hội đồng tư vấn Khoa học và Công nghệ được nghe Thạc sĩ Lê Văn Thành- Đại diện Trạm Khuyến nông thị xã báo cáo thuyết trình nhiệm vụ cơ sở với đề tài, về: Sản xuất giá thể phục vụ trồng trọt từ phân chim yến trên địa bàn thị xã. Đề tài đã xây dựng quy trình sản xuất giá thể từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp (bao gồm: phân chim yến, vỏ trái thốt nốt và rơm xây nhuyễn,…và thử nghiệm hiệu quả trên rau nhằm tạo ra giá thể phù hợp phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình canh tác cây trồng.
Theo Thạc sĩ Lê Văn Thành “Nghề nuôi chim và khai thác sản phẩm từ yến thật sự là ngành chăn nuôi quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đi đôi với những lợi ích kinh tế mà nó đem lại là những tiềm ẩn bất lợi cho môi trường. Đặc biệt, là lượng phân từ chim yến thải ra bên ngoài (trung bình mỗi nhà nuôi chim yến thải ra khoảng 50 ký phân/tháng). Nguồn thức ăn của chim yến chủ yếu là côn trùng, do đó hàm lượng chất dinh dưỡng trong phân chim yến cao hơn phân của dơi, gia cầm và các loài gia súc ăn cỏ. Việc thực hiện đề tài “Sản xuất giá thể phục vụ trồng trọt từ phân chim yến trên địa bàn thị xã Tịnh Biên" là thật sự cần thiết nhằm tạo tiền đề cơ sở để đa dạng hóa các sản phẩm từ nguồn thải chăn nuôi, để phục vụ cho quá trình sản xuất và canh tác cây trồng theo hướng an toàn và thích ứng với biển đổi khí hậu”.
Các thành viên Hội đồng dựa trên các tiêu chí để kiểm duyệt đề cương, tổ chức và cá nhân chủ trì nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp cơ sở, đề tài: Sản xuất giá thể phục vụ trồng trọt từ phân chim yến trên địa bàn thị xã, như: tiêu chí đánh giá tổng quan, nội dung, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng; tính mới, tính đủ của sản phẩm khoa học và công nghệ; phương pháp tổ chức triển khai thực hiện; tính khả thi về kinh phí thực hiện; năng lực của tổ chức và cá nhân tham gia./.
 

Hữu Ngọc