Phát huy vai trò Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thượng tá Phan Thanh Huy- Phó trưởng Công an thị xã, thông tin: “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố (gọi là ấp, khu phố); làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dưới sự hướng dẫn, chỉ huy, quản lý trực tiếp của Công an cấp xã. Đây là lực lượng hỗ trợ Công an cấp xã, giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhiệm vụ của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở mang tính chất hỗ trợ cho Công an cấp xã trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở, với 06 nhóm nhiệm vụ cơ bản sao, một: Nắm tình hình về an ninh, trật tự; hai: Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; ba: Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; bốn: Quản lý hành chính về trật tự xã hội; năm: Vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; sáu: Tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động”.
Trước đây, các địa bàn khóm, ấp ở cơ sở đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Đội trưởng, Đội phó dân phòng. Các lực lượng này chịu sự quản lý, hướng dẫn trực tiếp về nghiệp vụ của lực lượng Công an. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác của các lực lượng này thấy rằng, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ có nơi, có lúc còn chưa thực sự hiệu quả. Các quy định pháp luật về an ninh, trật tự chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất đang được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật với nhiều hình thức khác nhau và do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành. Do vậy, nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc và bảo đảm thống nhất hệ thống pháp luật về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ Công an đã tập trung nghiên cứu, kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là phù hợp, còn giá trị để quy định hợp nhất các lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Đội trưởng, Đội phó dân phòng thành Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, để bảo đảm không làm tăng biên chế, không làm tăng chi ngân sách nhà nước, không chồng chéo, không mâu thuẫn với các văn bản luật khác.
Ngày 28/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  khóa XV, đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 (Luật số 30/2023/QH15). Luật gồm có 5 Chương với 33 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.  
Đại diện cho 140 lực lượng, chiến sĩ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khóm, ấp trên địa bàn thị xã Tịnh Biên, đồng chí Lê Thái Thông- Tổ trưởng Tổ an ninh, trật tự cơ sở khóm Thới Hòa- phường Nhà Bàng, hạ quyết tâm “Chúng tôi xin hứa, làm tốt vai trò nồng cốt, hỗ trợ Công an cấp phường, giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chúng tôi quyết tâm, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trao dồi nghiệp vụ, không ngại khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ”.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, có hiệu lực cao, quy định về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở từ việc kiện toàn thống nhất các lực lượng; quy định chức danh có tính chất tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động hoặc được tuyển chọn tham gia hoạt động trong lực lượng này. Qua đó, góp phần bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đồng bộ, thống nhất, tinh gọn đầu mối để có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động của lực lượng này được tốt hơn và linh hoạt, chủ động hơn trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Để cụ thể hóa các nội dung được Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 và Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024, quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Ủy viên Ban Thường vụ- Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Ngô Hồng Yến, đề nghị: “Thứ nhất đối với cấp ủy, chính quyền thị xã Tịnh Biên tiếp tục thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện đối với nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Xem đây là lực lượng “đồng hành”, là cánh tay nối dài cùng lực lượng Công an nhân dân và có vai trò rất quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ngay tại địa bàn cơ sở; đảm bảo các chế độ chính sách, mức hỗ trợ thường xuyên và bố trí địa điểm, nơi làm việc đối với Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để lực lượng này yên tâm công tác và có điều kiện  hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đối với Công an thị xã Tịnh Biên khẩn trương tham mưu ổn định các Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để lực lượng này “bắt tay” vào thực hiện các nhiệm vụ được giao ngay khi đi vào hoạt động, sớm bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất và tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng, công tác, để đảm bảo cho lực lượng này an toàn, hiệu quả, đúng quy định”.
 

Ngoài ra, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng yêu cẩu  Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thị xã trong quá trình hoạt động, thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ tuyệt đối Hiến pháp và quy định của pháp luật; chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của UBND cấp xã và sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của lực lượng Công an. Các đồng chí, nhất là những đồng chí được tuyển chọn mới phải luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nỗ lực hết mình trong công việc, phối hợp lực lượng Công an bảo đảm tốt an ninh, trật tự ngay tại cơ sở, khu dân cư mà mình sinh sống, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Hữu Ngọc