Tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình và ngoài xã hội ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Trẻ em bị bạo lực từ hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm đến các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực thường do sự thiếu quan tâm của gia đình, ảnh hưởng của các phong tục lạc hậu, sự hạn chế về nhận thức hiểu biết của một số ít bà con đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Trẻ em là tương lai của đất nước, các em cần được lớn lên và trưởng thành trong môi trường xã hội an toàn, được pháp luật bảo vệ. Vì vậy. việc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái Khmer trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi người và toàn xã hội.
Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (TP. Hồ Chí Minh) phối hợp UBND thị xã Tịnh Biên vừa tổ chức triển khai Dự án “Tăng cường năng lực tự bảo vệ cho trẻ em gái dân tộc thiểu số Khmer trước các vấn đề tảo hôn, bạo lực, xâm hại, bắt cóc, mua bán trẻ em gái” trên địa bàn thị xã. Dự án được diễn ra từ tháng 7 năm 2024 đến tháng 2 năm 2025. Với mục tiêu nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, năng lực bảo vệ trẻ em, thúc đẩy việc thực hiện các quyền và kỹ năng tự vệ cho các bé gái dân tộc Khmer có nguy cơ cao với tỷ lệ tảo hôn, bạo lực, xâm hại, bắt cóc và buôn bán trẻ em gái trên địa bàn thị xã Tịnh Biên, góp phần nâng cao công tác bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái.
Trưởng Khoa Khoa học Liên Ngành - Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hảo thông tin: “Dự án này được triển khai nhằm hướng tới mục tiêu là tăng cường năng lực tự bảo vệ cho các bé trước những nguy cơ về tảo hôn, bạo lực, lạm dụng, bắt cóc và buôn bán qua biên giới. Thực tế là một mình các bé, cũng rất là khó để có thể tự bảo vệ một cách hiệu quả mà bên cạnh đó còn có sự chung tay, hỗ trợ của cộng đồng. Những người trực tiếp nhất với bé, chính là các cha mẹ bé; cùng với lại giáo viên và các thầy cô ở trong nhà trường, cùng với lại cộng đồng xã hội, thì bao gồm các ban ngành địa phương để có sự chung tay, góp sức cho việc triền khai này hiệu quả”.
Dự án được tài trợ bởi Quỹ Canada cho các sáng kiến địa phương (CFLI)thuộc Bộ Ngoại giao Canada và được phối hợp thực hiện bởi Khoa Khoa học Liên ngành, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Các hoạt động chính trong Dự án, bao gồm: Tổ chức các buổi tập huấn cho 100 giáo viên, cán bộ địa phương, phụ huynh học sinh, người có uy tín trong cộng đồng; Tập huấn cho 400 nữ sinh trung học cơ sở dân tộc thiểu số Khmer, trang bị kiến thức và kỹ năng phát hiện và can thiệp sớm, nâng cao khả năng tự vệ và ứng phó với các tình huống nguy hiểm, trước những thách thức của xã hội như tảo hôn, bạo lực gia đình, xâm hại, bắt cóc và buôn bán trẻ em. Đồng thời, cũng tổ chức tập huấn cho cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, giáo viên, Tổng phụ trách đội và lãnh đạo địa phương về quyền trẻ em và xây dựng quy trình bảo vệ trẻ em khỏi tảo hôn, bạo lực và buôn bán trẻ em theo quy định của pháp luật.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Nữ Nguyệt Anh - Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đánh giá: “Những vấn đề liên quan đến tảo hôn, bạo lực, xâm hại, buôn bán, bắt cóc thì xảy ra với tỷ lệ rất cao, đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số. Bởi gì do rất nhiều hạn chế về mặt thông tin, tiếp cận về giáo dục, cũng như là các yếu tố khác mà ảnh hưởng đến trẻ em gái. Chính gì vậy mà Dự án này, đặc biệt muốn can thiệp và nâng cao năng lực tự bảo vệ. Tức là, các em cố gắng tự nhận diện được các nguy cơ bị rửi ro; cũng như các em tìm ra những cách thức và những mạng lưới hỗ trợ khác nhau. Chúng ta tập trung vào nhóm đối tượng trẻ em gái người Khmer nhưng mà để ngăn chặn được cũng như hạn chế bớt những vấn nạn như thế này thì cần sự chung tay của tất cả cộng đồng, cả gia đình, cũng như tất cả các cá nhân liên quan luôn; chứ không chỉ một mình các en mà giải quyết vấn đề này”.
Để Dự án triển khai đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên Lâm Văn Bá đề nghị “Các cơ quan quan ban ngành đoàn thể thị xã, UBND các xã phường cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm trang bị cho các bậc phụ huynh kiến thức, kỹ năng trước các vấn đề về tảo hôn, bạo lực, xâm hại, bắt cóc, mua bán trẻ em để có những xử lý phù hợp; hướng dẫn, trang bị cho trẻ em biết cách tự bảo vệ trước các hậu qủa của tảo hôn, bạo lực, xâm hại, bắt cóc, mua bán trẻ em. Đồng thời, cung cấp số điện thoại 111 để trẻ em, người thân của trẻ ghi nhớ và trở thành số điện thoại nằm lòng để có thể liên thệ khi bị xâm hại, bạo lực, tảo hôn, bắt cóc. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ công tác trẻ em, nhất là ở cơ sở, trong đó lưu ý vấn đề về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu trẻ em bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ. Chính quyền địa phương làm đầu mối trong sự phối hợp giữa chính quyền, gia đình, nhà trường và xã hội về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tăng cường nguồn lực, gắn vớ trách nhiệm người đứng đầu tại địa phương về công tác bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, là bố trí nhân lực làm công tác trẻ em ở cấp cơ sở. Phối hợp các đơn vị liên quan, thực hiện các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.
Qua Dự án giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền và trách nhiệm bảo vệ trẻ em, trong đó có trẻ em gái người dân tộc thiểu số Khmer; Xây dựng cơ chế hỗ trợ bền vững, kết nối giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội để tạo thành mạng lưới bảo vệ các em khỏi những rủi ro trong cuộc sống; tạo môi trường an toàn, bình đẳng cho trẻ em phát triển, xây dựng cộng đồng dân tộc thiểu số Khmer tại thị xã Tịnh Biên ngày càng bền vững và phát triển toàn diện hơn./.
Hữu Ngọc