Từ lâu, cây Thốt Nốt đã gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer hai huyện niềm núi, biên giới Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang. Nghề nấu đường có từ rất lâu, từ khi người Khmer đến đây khẩn hoang, định cư, lập ấp đã sáng tạo ra nghề thủ công truyền thống và thể hiện rất rõ đặc thù gốc tích nông nghiệp. Đây không chỉ là tài sản vô giá do cha, ông để lại mà còn là động lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng người Khmer của thị xã Tịnh Biên, huyện Tri Tôn nói riêng và của tỉnh An Giang nói chung.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với UBND thị xã Tịnh Biên, UBND huyện Tri Tôn và đơn vị tư vấn Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh lập hồ sơ khoa học “Nghề nấu đường thốt nốt của người Khmer tỉnh An Giang”. Ngày 17/11/2023, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 1079/TTr-UBND gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị đưa “Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer tỉnh An Giang” vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Hội đồng Di sản quốc gia thẩm định và thống nhất công bố đưa Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer tỉnh An Giang vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, vào ngày 21/02/2024.

Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn tham mưu UBND tỉnh có những cơ chế chính sách phù hợp với tình hình địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa; phát huy vai trò của cộng đồng, nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, sự đa dạng văn hóa của đồng dân tộc Khmer tại địa phương. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về nội dung, ý nghĩa và giá trị của các di sản trong cộng đồng, có chiến lược truyền thông sâu rộng và hiện đại. Tăng cường phát huy giá trị di sản nghề thủ công truyền thống, gắn kết với phát triển du lịch để góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống và phát triển bền vững kinh tế- xã hội địa phương./.
Minh Triều