Với mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới là nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, để từ đó thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn và thành thị.
Xác định xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm thay đổi một cách căn bản đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo hướng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp dịch vụ theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa, dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Ngoài ra, còn hướng đến mục tiêu đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện nâng lên. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính – xã hội, cùng với sự đồng thuận, đoàn kết nỗ lực phấn đấu của toàn thể nhân dân. Quê hương Tịnh Biên đã có nhiều khởi sắc: Cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn được xây dựng, đường giao thông thôn được bê tông hóa, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây mới, đáp ứng nhu cầu cho hoạt động cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngay từ khi mới triển khai, Đảng bộ, chính quyền thị xã Tịnh Biên đã chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và cụ thể hóa bằng các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch công tác hằng năm, tập chung chỉ đạo quyết liệt và có nhiều đổi mới. Đến nay, toàn thị xã có 05 địa phương đạt xã nông thôn mới, gồm: Núi Voi, Thới Sơn, Nhơn Hưng, An Phú, Tân Lợi và một xã NTM nâng cao (Thới Sơn). Còn lại xã Vĩnh Trung, An Nông sẽ hoàn thành nông thôn mới trong năm 2025. Từ giai đoạn 2026 – 2030, các xã còn lại sẽ tiếp tục nỗ lực về đích NTM, gồm: xã Tân Lập (2026); Văn Giáo (2027); An Hảo (2028); An Cư (2029). Và đến năm 2030, thị xã Tịnh Biên hoàn thành lộ trình xã nông thôn mới.
Để hoàn thành mục tiêu trên, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi gia đình và mỗi người dân phải là lực lượng đi đầu trong thi đua thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao với các nội dung cụ thể như sau:
Một là: Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi gia đình và mỗi người dân cần hiểu rõ và tuyên truyền, vận động gia đình, mọi người xung quanh hiểu được xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người dân nông thôn, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, mỗi người dân phải là chủ thể, mỗi gia đình phải đi đầu trong tham gia xây dựng nông thôn mới; không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.
Hai là: Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi gia đình và mỗi người dân cần chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực học hỏi, nâng cao trình độ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Ba là: Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi gia đình và mỗi người dân cần tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, huy động nhân dân bảo vệ và kiên cố mở rộng đường giao thông, thủy lợi. Đặc biệt, là chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các Tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tiếp tục hưởng ứng phong trào hiến đất, hiến công trình để mở rộng các tuyến đường giao thông, góp phần hiện đại hóa nông thôn; vận động các hộ gia đình tích cực ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; tích cực trồng hoa, cây xanh; ủng hộ việc thu gom và xử lý rác thải theo đúng quy định để bảo vệ môi trường “xanh – sạch - đẹp”.
Bốn là: Mỗi người, mỗi hộ gia đình cần gương mẫu thực hiện tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; bài trừ mê tín, dị đoan và các hủ tục lạc hậu; thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong các việc cưới, việc tang, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; đẩy mạnh khai thác các nhà văn hóa và dụng cụ thể dục - thể thao ngoài trời, điểm vui chơi cộng đồng phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong thanh thiếu nhi, người cao tuổi và các tầng lớp nhân dân; trồng mới và chăm sóc các tuyến đường hoa, thực hiện tốt việc thu gom phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT, đảm bảo tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 100%, cải tạo khuôn viên hộ gia đình, phát triển ngành nghề nông thôn để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất cho gia đình và xã hội,…
Năm là: Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ thị xã đến xã, phường, khóm, ấp và toàn thể nhân dân của thị xã Tịnh Biên hãy phát huy vai trò xung kích, quyết tâm chung sức, đồng lòng góp của, góp công xây dựng cơ sở hạ tầng của khóm, ấp, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”; “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Phấn đấu mỗi ấp, khóm đều có mô hình kiểu mẫu như: Đoạn đường kiểu mẫu, quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân dân. Đồng thời, huy động nguồn lực cụ thể bảo đảm hoàn thành mục tiêu xây dựng ấp đạt nông thôn mới và xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Tịnh Biên đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và 2026 – 2030, hướng đến thị xã Tịnh Biên hoàn thành nông nông mới vào năm 2030 và trở thành “Đô thị văn minh - năng động - hội nhập - phát triển – giàu đẹp”./.
Nguyễn Thanh Sơn – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm VHTT và TT