TÁC PHẨM THAM GIA CUỘC THI SÁNG TÁC, QUẢNG BÁ CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT, BÁO CHÍ VỀ CHỦ ĐỀ “ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH BÁC HỒ, BÁC TÔN” GIAI ĐOẠN 2024 - 2025

Cô giáo mầm non thân thiện, hết lòng vì học sinh vùng dân tộc

           Hiện nay việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã xuất hiện những gương điển hình tiêu biểu lan tỏa thành những bước chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên ở các ban ngành, đoàn thể, các đơn vị trường học, trong số đó có cô Phan Thị Hồng Mi giáo viên Trường mầm non Tuổi Thơ xã An Cư, cô đã có nhiều năm gắn bó với nghề, tận tụy hết lòng với học sinh dân tộc Khmer, luôn xác định vai trò và trách nhiệm của mình đối với công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em vùng dân tộc.

            Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn đổi mới các phương pháp giáo dục hiệu quả, các bé đóng vai trò chủ đạo trong mọi hoạt động. Thật sự mà nói, phương pháp giáo dục lấy các bé làm trung tâm đã phát huy tính tích cực, sáng tạo cho các bé ở những vùng thành thị có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, các bé có khả năng nhận thức và giao tiếp tốt. Riêng đối với những vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, các cháu thiếu sự quan tâm từ phía gia đình, ít được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Do đó khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ tiếng Việt của các cháu còn hạn chế, các cháu chưa có kinh nghiệm ứng xử trong các tình huống, thiếu tự tin khi tham gia các hoạt động.

            Qua tìm hiểu tôi được biết, năm học 2017-2018 cô được chuyển công tác đến trường Mầm Non Tuổi Thơ nằm trên địa bàn Ấp Pô Thi, xã An Cư, thị xã Tịnh Biên. Những ngày đầu đứng lớp do bất đồng ngôn ngữ, cô lại thiếu kinh nghiệm nên cô gặp rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng các phương pháp giáo dục. Thấy được cái khó, cô cố gắng tiếp xúc và trò chuyện nhiều hơn với các cháu, tìm hiểu tâm lý của các cháu vùng dân tộc, trao đổi với phụ huynh nhiều hơn. Điều quan trọng là cô đã học tập và thực hiện theo từ lời căn dặn của Bác: “Dạy các bé cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Từ lời dạy của Bác, cô ý thức được vai trò, trách nhiệm của một giáo viên mầm non là chăm sóc, giáo dục các bé hình thành cho các cháu có một nhân cách phát triển toàn diện.

            Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục cô đã tìm ra các phương pháp giáo dục phù hợp, từ khâu trang trí nhóm lớp, vệ sinh lớp học sạch sẽ để làm gương cho các cháu, đến việc giáo dục lễ giáo, giáo dục ngôn ngữ, cho trẻ thực hành trải nghiệm các kỹ năng thông qua hoạt động ở mọi lúc mọi nơi. Để giúp trẻ có khả năng giao tiếp và tự tin trong các hoạt động, cô đã thể hiện vai trò của cô giáo như mẹ hiền, cô luôn thân thiện và gần gũi với các cháu, giao tiếp nhẹ nhàng và dịu dàng ôm ấp, vỗ về các cháu, quan tâm, yêu thương và đối xử công bằng với từng cháu để giúp các cháu thêm tự tin trong giao tiếp, nâng cao ý thức và phát triển ngôn ngữ mạch lạc. Khi trò chuyện, giải thích với các cháu cô dùng câu đơn giản, ngắn gọn, rõ ràng. Cần kiên nhẫn lắng nghe và trả lời các câu hỏi của các cháu. Qua đó, các cháu tiếp thu được kiến thức, hình thành thói quen, nề nếp, thái độ ứng xử tích cực đối với môi trường xung quanh.

           Khi được hỏi những khó khăn của cô khi dạy các cháu dân tộc Khmer, cô cười vui chia sẻ: “Thực tế cho thấy việc tổ chức các hoạt động giáo dục ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, học sinh đa phần là con em người dân tộc là một việc làm tưởng khó nhưng không khó.Tuy nhiên bản thân giáo viên phải tự ý thức về vai trò trách nhiệm của mình mà đề ra các kế hoạch, biện pháp giáo dục hiệu quả”.

Cô còn cho biết: “Lần đầu tiên tiếp nhận cháu Na Quy dân tộc Khmer đã thu hút sự chú ý của tôi bởi sự im lặng khác thường. Trong khi các bạn khác nô đùa còn Na Quy lại lặng lẽ ngồi một góc, khuôn mặt trầm tư. Mỗi khi tôi gọi tên, Na Quy chỉ khẽ gật đầu. Tiếng Việt của cháu còn rất hạn chế. Tôi cố gắng tiếp cận cháu bằng những câu hỏi đơn giản và tập cho cháu tham gia các trò chơi. Na Quy dần dần thích ứng với mọi hoạt động, cháu bắt đầu cười nói vui vẽ, hòa đồng cùng chơi với bạn bè. Để phát huy khả năng giao tiếp, ứng xử bằng tiếng Việt của các cháu Khmer, tôi mạnh dạng chọn cháu Na Quy tham dự Hội thi Thiếu nhi Kể chuyện và Tuyên truyền giới thiệu sách cấp thị xã. Thật bất ngờ, em thể hiện rất thành công, từ cách phát âm mạch lạc, rõ ràng, phong cách diễn đạt biểu cảm, em đã đạt giải Nhất tại hội thi, cô Mi chia sẻ.

Qua nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy các cháu ở vùng dân tộc cô đã nghiên cứu nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm, sáng tạo trong việc làm đồ dùng dạy học tham gia dự thi cấp thị xã. Kết quả, nhiều năm cô được Hội đồng sáng kiến kinh nghiệm thị xã công nhận và được đưa vào áp dụng thực tế ở đơn vị trường vùng dân tộc. Đồng thời, nhiều năm cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, giáo viên dạy giỏi cấp thị xã. Từ những thành tích đạt được nên nhiều năm liền cô nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh; Chiến sĩ thi đua cơ sở; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục...Đặc biệt, cô vinh dự được Tỉnh Đoàn An Giang tuyên dương danh hiệu Nhà Giáo trẻ tiêu biểu tỉnh An Giang năm 2020. 

Trong công tác hoạt động đoàn thể cô rất năng nổ và nhiệt tình, cô từng 7 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Đối với bà con lối xóm cô rất thân thiện, biết giúp đở mọi người khi họ gặp khó khăn, cô thường xuyên quyên góp sách vở cũ, quần áo cũ, đồ dùng học tập để giúp các em có hoàn cảnh khó khăn khi đến trường, đối với đồng nghiệp cô luôn đoàn kết nhiệt tình giúp đỡ các giáo viên trẻ mới ra trường. Trong cuộc sống gia đình, cô là người vợ, người mẹ giỏi giang, chu đáo, 2 đứa con của cô chăm ngoan học giỏi, con gái lớn của cô đang học lớp 11A4 Trường THPT Tịnh Biên, đạt danh hiệu học sinh danh dự toàn trường cấp mẫu giáo, cấp tiểu học, những năm học cấp THCS em đều đứng hạng nhất lớp, cô con gái út đang học Trường Tiểu học Bán trú A Nhà Bàng, từng tham gia Hội thi Thiếu nhi Kể chuyện và Tuyên truyền giới thiệu sách cấp thị xã, cấp tỉnh, đạt Giải Nhì Cấp tỉnh.

          Những hành động, những việc làm cụ thể thiết thực của cô Phan Thị Hồng Mi cho chúng ta thấy cô đã Học tập và làm theo tấm gương của Bác và thực hiện theo lời căn dặn của Người: “Trong lúc học cũng cần làm cho chúng em vui, trong lúc vui cũng cần cho chúng học. Ở trong nhà, ở trường học, ở xã hội chúng đều vui, đều học. Giáo dục thiếu nhi là một khoa học. Vậy các bạn phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm để tiến bộ mãi”. Vì vậy chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng  giúp các cháu vươn lên trở thành con ngoan trò giỏi, chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Trần Thị Kim Vàng

                                            Hội Văn học nghệ thuật thị xã Tịnh Biên

                                                                SĐT: 0949811034