Nghề làm đường Thốt Nốt tỉnh An Giang được ghi danh vào Danh mục di sản phi vật thể Quốc gia

Cây Thốt Nốt từ lâu đã gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer hai huyện niềm núi, biên giới Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang. Nghề nấu đường có từ rất lâu. Từ khi người Khmer đến đây khẩn hoang, định cư, lập ấp đã sáng tạo ra nghề thủ công truyền thống và thể hiện rất rõ đặc thù gốc tích nông nghiệp. Đây không chỉ là tài sản vô giá do cha ông để lại mà còn là động lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng người Khmer của thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn nói riêng, của tỉnh An Giang nói chung.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh lập hồ sơ khoa học “Nghề nấu đường thốt nốt của người Khmer tỉnh An Giang” để trình Bộ VHTTDL xem xét công nhận đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND thị xã Tịnh Biên, UBND huyện Tri Tôn và đơn vị tư vấn Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh lập hồ sơ khoa học “Nghề nấu đường thốt nốt của người Khmer tỉnh An Giang”.

Ngày 17/11/2023, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 1079/TTr-UBND gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị đưa “Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer tỉnh An Giang” vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Hội đồng Di sản quốc gia thẩm định và thống nhất công bố đưa Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer tỉnh An Giang vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, vào ngày 21/2/2024.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Bá Trạng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, khẳng định “Hôm nay, thị xã Tịnh Biên long trọng tổ chức Lễ đón nhận Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên tỉnh An Giang vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Được kết quả ngày hôm nay là nhờ có sự nhiệt huyết bảo tồn gìn giữ các di sản vô cùng quý giá này của chính quyền địa phương và đặc biệt là các nghệ nhân dân tộc Khmer đã khắc phục nhiều khó khăn trong thời buổi kinh tế thị trường, cạnh tranh, đã ra sức gìn giữ, duy trì nghề làm đường thốt nốt; một loại hình nghề thủ công truyền thống của dân tộc được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Thay mặt cơ quan quản lý ngành văn hóa, chúng tôi trân trọng ghi nhận sâu sắc những kết quả của chính quyền địa phương và đồng bào dân tộc Khmer thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn đã có đóng góp rất to lớn vào kho tàng Văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong thời gian tới, để phát huy giá trị các di sản văn hóa vừa mới được công nhận, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển quê hương An Giang nói chung và cụ thể là thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn được phồn vinh, hạnh phúc, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn thực hiện các việc sau: Một là, tham mưu UBND tỉnh có những cơ chế chính sách phù hợp với tình hình địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng Kế hoạch Bảo tồn và Phát huy giá trị của Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer trong giai đoạn 2025 – 2030. Hai là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các đề án, kế hoạch của UBND tỉnh trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn An Giang. Ba là, phát huy vai trò của cộng đồng, nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Tôn trọng, phát huy sự đa dạng văn hóa của đồng dân tộc Khmer tại địa phương. Bốn là, tích cực đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về nội dung, ý nghĩa và giá trị của các di sản trên trong cộng đồng, có chiến lược truyền thông sâu rộng và hiện đại. Tăng cường phát huy giá trị di sản nghề thủ công truyền thống, gắn kết với phát triển du lịch để góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống và góp phần phát triển bền vững kinh tế- xã hội địa phương”.

Những năm qua, di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, là môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng chính là đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới. Các di sản văn hóa đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đã và đang thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, hình thành nên nguồn nhân lực, đóng góp trực tiếp, quyết định vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. 

Đến nay, cả nước có trên 500 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Riêng ở An Giang  đã có 7 di sản được công nhận là Di sản văn hóa Quốc gia, bao gồm: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; Hội đua bò Bảy Núi; Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của đồng bào dân tộc Khmer; Lễ hội Kỳ yên ở đình thần Thoại Ngọc Hầu (huyện Thoại Sơn); Nghi lễ Vòng đời của người Chăm Islam Thị xã Tân Châu và Huyện An Phú tỉnh An Giang; Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu; Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì Kê của người Khmer xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Hôm nay, An Giang lại được đón nhận thêm di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nữa, đó là: Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Cùng với đó, An Giang còn có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt là khu di tích Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Khu di tích văn hóa Óc Eo; 28 di tích cấp quốc gia; 8 bảo vật quốc gia; 1 di sản văn hóa thế giới là Đờn ca tài tử và đang trình Bộ VHTTDL xem xét công nhận cho 02 bảo vật quốc gia. Đây thật sự là kho tàng, là vốn liếng văn hóa dồi dào, phong phú, là niềm tự hào của mỗi người dân An Giang.

Phát biểu tại lễ ghi danh, Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng, ghi nhận: “Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Nghề làm đường Thốt Nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên tỉnh An Giang vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm vinh dự tự hào của đồng bào dân tộc Khmer huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên nói riêng và của tỉnh An Giang nói chung. Đồng thời, cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TX. Tịnh Biên trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghề làm đường Thốt Nốt của người Khmer và các di sản văn hóa trên địa bàn thị xã, trong thời gian tới theo phương châm “Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động biến di sản thành tài sản”. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TX. Tịnh Biên cùng chung sức, đồng lòng phát huy hiệu quả di sản Nghề làm đường Thốt Nốt của người Khmer với các giải pháp, thiết thực để tạo sức sống mới cho di sản, để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lang tỏa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến , đậm đà bản sắc dân tộc, thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng, phát triển kinh tế- xã hội của Tịnh Biên”.

Trong quá trình cộng cư cùng người Khmer, người Kinh đã học tập, tiếp nhận, cải tiến và dần dần đã nâng kỹ thuật nấu đường lên tầm cao hơn, đã trở thành các sản phẩm OCOP, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Ngày nay, sản phẩm đường Thốt Nốt không chỉ là một thứ gia vị mà còn là hương vị, là đặc sản của An Giang nói riêng và của Việt Nam nói chung. Tên gọi “Đường Thốt Nốt” đã khẳng định giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam ẩn chứa bên trong trong từng sản phẩm. Đến nay, có 8 sản phẩm đường thốt nốt đạt chứng nhận OCOP từ 3-4 sao.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Bảy Núi, nghệ nhân Chau Ngọc Diệu –  đến từ thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn rất vinh dự và tự hào khi được đón nhận Quyết định công bố của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Di sản văn hoá phi vật thể Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nghệ nhân chia sẻ: Trong tương lai sắp tới, không những chúng tôi làm ra được những sản phẩm hoàn toàn chỉnh chu, mà chúng tôi còn phát triển hơn nữa ngành nghề truyền thống, cũng như cải tiến sản phẩm bao bì để có thể đem sản phẩm gần hơn đến người tiêu dùng trong nước và bạn bè quốc tế. Ban thân của tôi đã thành lập công ty để làm ra các sản phẩm có thể xuất khẩu sang những thị trường khó tính, như: Ở Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,.. Để làm những giấy chứng nhận quy chuẩn quốc tế đó là một trong những rào cản. Hơn nữa những người thợ lành nghề nấu theo phương pháp ngày xưa, dần dần bị mai một. Chúng tôi cũng rất là mong muốn bảo tồn và giữ gìn ngành nghề truyền thống để các sản phẩm, đặc sản vùng Bảy Núi An Giang có thể đi xa hơn nữa trong tương lai gần”.

Trong thời gian qua, nghề truyền thống nấu đường Thốt Nốt đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế và góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nông thôn, giúp họ có được việc làm và thu nhập ổn định. Thông qua hoạt động của làng nghề, đã tạo điều kiện cho tỉnh hình thành và phát triển loại hình du lịch làng nghề, vừa tạo tour tuyến du lịch hấp dẫn, vừa tạo môi trường và thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp nghề nấu đường Thốt Nốt phát triển bền vững, góp phần to lớn trong việc giữ gìn, bảo lưu nét văn hóa độc đáo của người Khmer nói riêng và làm sinh động hơn bức tranh văn hóa đa sắc màu của tỉnh An Giang nói chung./.

Hữu Ngọc