Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng đã và đang đẩy mạnh công tác đấu tranh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng, tránh bị “sập bẫy” của kẻ xấu.

Công an tỉnh An Giang đã đưa ra nhiều khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo phổ biến của tội phạm sử dụng công nghệ cao, cụ thể như các thủ đoạn: Giả danh cơ quan thực thì pháp luật: sử dụng các đầu số lạ như: 0840, 0882… tự xưng là cán bộ Viện kiểm sát, Công an…thông báo vi phạm, yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào số tài khoản chúng cung cấp; “Bẩy tình” trên mạng xã hội: với chiêu thức giả làm quân nhân, doanh nhân nước ngoài muốn gửi quà có giá trị về Việt Nam, sau đó giả làm hải quan yêu cầu đồng phí cho chủng để nhận hàng; Thủ đoạn chuyển tiền làm từ thiện: Giả vờ làm người nước ngoài muốn gửi tiền về Việt Nam làm từ thiện, bạn sẽ được thưởng 30- 40% số tiền. Sau đó giả làm hải quan bắt nạn nhân đóng phí cho chúng; Lừa đảo mua bán hàng trực tuyến: với thủ đoạn gửi link thanh toán trực tuyến giả mạo để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Yêu cầu chuyển cọc trước sau đó chiếm đoạt tiền cọc; Giả nhân viên ngân hàng nâng cấp phần mềm: bọn tội phạm chủ động gọi điện cho nạn nhân, tự xưng là nhân viên ngân hàng hướng dẫn nâng cấp phần mềm để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Phương thức lừa đảo qua hình thức trúng thưởng: tội phạm sẽ giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính gọi điện thông báo trúng thưởng (Xe SH, sổ tiết kiệm) yêu cầu đóng phí sau đó chiếm đoạt; Hack Facebook lừa đảo muốn tiền: bọn tội phạm chiếm quyền tài khoản Facebook, sau đó nhắn tin bạn bè hỏi mượn tiền, số tài khoản cung cấp luôn là số tài khoản không chính chủ; Lừa đảo tìm người làm việc tại nhà với các công việc như: Lắp ráp bao bì, dám tem son, xâu vòng... Muốn nhận sản phẩm về làm phải đặt cọc, sau khi nhận cọc của nạn nhân thì biến mất.
Mạo danh công ty tài chính lừa vay: tội phạm sẽ chủ động liên hệ nạn nhân hứa hẹn cung cấp các khoản vay lãi suất thấp, thủ tục đơn giản. Yêu cầu đóng phí vay, sau đó thì biến mất với số tiền trên; Hình thức mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội: thủ đoạn tội phạm sẽ thông báo bạn nợ tiền hoặc trục lợi quỹ BHXH yêu cầu đóng phí, nếu không họ sẽ báo Công an, nếu nạn nhân lo sợ và chịu đóng tiền thì sẽ mất số tiền trên; Lừa đảo sử dụng công nghệ Deepfake: tội phạm công nghệ cao sẽ lấy thông tin hình ảnh tài khoản mạng xã hội của nạn nhân, sử dụng công nghệ Deepfake tạo ảnh, video giả mạo người dùng đang nói chuyện trực tuyến với cùng khuôn mặt, âm điệu giọng nói và cách xưng hô để mượn tiền, yêu cầu chuyển khoản; Thủ đoạn giả lập trạm thu phát sóng BTS phát tin nhắn SMS Brandname: thủ đoạn này, bọn tội phạm giả mạo tin nhắn thương hiệu của các Ngân hàng, gửi tin nhắn chứa đường link giả mạo ngân hàng, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Công an tỉnh An Giang khuyến cáo: không chuyển tiền cho bất kỳ ai thông qua điện thoại, Internet mà chưa biết rõ họ là ai; Cơ quan nhà nước không làm việc qua điện thoại, nếu cần sẽ mời đến trụ sở; Tuyệt đối không cung cấp mã số OTP, tài khoản E-Banking cho bất kỳ ai; Khi người quen, người thân hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền, hãy gọi điện để xác nhận lại; Đa số các cách kiếm tiền dễ dàng trên mạng xã hội đều là “lừa đảo”, hãy luôn cảnh giác.
Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; khuyến cáo người dân cần cảnh giác đối với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường; trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân và không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao thông qua quản lý hành chính về an ninh, trật tự. Cần tăng cường trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phục vụ công tác thu thập, ghi nhận, lưu trữ dữ liệu; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phục vụ yêu cầu đấu tranh với tội phạm liên quan mạng internet, mạng viễn thông v.v.
Đối với hành vi lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt lên đến 20 năm tù. Thiết nghĩ, với công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, ý thức cảnh giác của người dân ngày càng được nâng cao và với hệ thống pháp luật đủ sức răn đe, chúng ta sẽ đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian tới./.
Nguyễn Hảo