Qua 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 721/NQ-UBTVQH15 ngày 13/02/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân và Nhân dân đối với công tác quản lý trật tự xây dựng. Các cấp cấp ủy, chính quyền tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện đưa nghị quyết vào cuộc sống, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhà ở, công trình, góp phần tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, cải thiện điều kiện sống của nhân dân; bộ mặt đô thị, nông thôn ngày một khang trang, từng bước hiện đại và văn minh; công tác quản lý trật tự xây dựng từng bước đi vào nề nếp, trách nhiệm của cán bộ, công chức, cũng như ý thức người dân chuyển biến tích cực; các địa phương quan tâm, chú trọng công tác quản lý trật tự xây dựng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người dân hoàn thiện các thủ tục để được cấp giấy phép xây dựng, góp phần hạn chế vi phạm trật tự xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình an ninh, trật tự của địa phương.
Là đô thị mới ở vùng biên giới tỉnh An Giang, thị xã Tịnh Biên được thành lập theo Nghị quyết 721/NQ-UBTVQH15 ngày 13/02/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chính thức góp mặt vào hệ thống các trục đô thị của tỉnh. Với thành tựu to lớn đó, Thị ủy, UBND thị xã Tịnh Biên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành công tác quản lý trật tự xây dựng và chỉnh trang, phát triển đô thị, hạ tầng giao thông,… từng bước kiến tạo không gian đô thị của thị xã Tịnh Biên khang trang, hiện đại.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị luôn được Thị ủy - UBND thị xã Tịnh Biên xem là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu và kết quả đạt được trong thời gian qua. Công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị thời gian qua trên địa bàn thị xã Tịnh Biên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả chưa cao. Việc lập quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch còn có mặt hạn chế; hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị. Một số cán bộ, công chức, đảng viên chưa thể hiện được vai trò trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, kể cả vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát của cấp ủy, người đứng đầu; một số cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường chậm triển khai các nội dung kế hoạch đề ra; thực hiện các quyết định hành chính, xử lý sai phạm còn dây dưa kéo dài, chưa áp dụng quyết liệt các biện pháp chế tài trong xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực xây dựng; vẫn còn tình trạng chậm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của Nhân dân; lực lượng tham gia quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị còn hạn chế, ra quân đôi lúc chưa thường xuyên, thiếu sự phối hợp đồng bộ; một số địa phương chưa chủ động, nghiêm túc trong chỉnh trang đô thị, phạm vi lộ giới, khoảng lùi...
Nguyên nhân chủ yếu là ý thức chấp hành pháp luật của một số ít người dân về trật tự xâỵ dựng, trật tự đô thị, trật tự kinh doanh chưa nghiêm; công tác quy hoạch còn bất cập; ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ chưa cao; cấp ủy, người đứng đầu tại một số địa phương chưa thực hiện tốt vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát; các đoàn thể một số địa phương chưa thực sự vào cuộc. Trong kiểm tra, xử lý sai phạm còn nể nang, né tránh, chậm phát hiện, xử lý chưa triệt để, thiếu cương quyết; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị của thị xã và chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ, chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ và xử lý theo thẩm quyền, năng lực chuyên môn; một số cán bộ, công chức liên quan đến công tác quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng chưa đáp ứng kịp với sự biến động thực tế; công tác tuyển dụng công chức cho địa phương có những thời điểm chưa kịp thời, ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập nêu trên, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng và trật tự đô thị trên địa bàn thị xã, thì các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thị xã đến xã, phường; các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện các nội dung sau:
Thứ nhất, về phương hướng
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị đảm bảo đúng quy hoạch và định hướng quy hoạch; đầu tư xây dựng từng bước đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan và bảo vệ môi trường trên địa bàn thị xã.
- Phát huy sức mạnh tổng họp của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền từ thị xã đến các xã, phường, cơ quan, đơn vị trong công tác chỉnh trang đô thị, trọng tâm là tăng cường kỷ luật kỷ cương, quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị theo quy hoạch và xây dựng.
- Nâng cao ý thức tự giác, tích cực, chủ động của các tổ chức, cá nhân, từng hộ gia đình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng. Nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quy hoạch và xây dựng.
- Thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra việc thực hiện xây dựng, trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã theo đúng quy hoạch, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp sai phạm về trật tự xây dựng ngay từ đầu.
- Thường trực Đảng ủy và lãnh đạo UBND xã, phường kiểm tra thực tế ít nhất 01 lần/tuần và 04 lần/ tháng về công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, trật tự kinh doanh, vệ sinh môi trường,... trên địa bàn.
- Định kỳ hằng tháng, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội xã, phường phát động ra quân thực hiện dọn dẹp vệ sinh, nạo vét kênh mương, phát quang các tuyến đường giao thông đảm bảo mỹ quan đô thị, mỹ quan nông thôn trên địa bàn.
- Hằng năm, tổ chức các lớp phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn các xã, phường về lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, trật tự kinh doanh, vệ sinh môi trường; 80% cán bộ, công chức của thị xã và xã, phường được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỷ năng về công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị đảm bảo theo Đề án vị trí việc làm; 98% các vụ vi phạm về quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, trật tự kinh doanh, vệ sinh môi trường được kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời đảm bảo đúng quy định; 100% rác thải đô thị được thu gom;….
Thứ hai, về nhiệm vụ và giải pháp
Một là, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về quản lý trật tự xây dựng và đô thị
- Các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ thị xã đến xã, phường đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và vận động bằng nhiều hình thức, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng; nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, của thị xã liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc tuân thủ pháp luật, góp phần chấp hành nghiêm trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị, thực hiện nếp sống văn hóa, không xả rác ra đường, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, đậu đỗ xe không đúng nơi quy định, thực hiện tốt pháp luật giao thông đường bộ; gắn việc thực hiện trật tự xây dựng, trật tự đô thị với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và những quy định về xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa.
- Các tổ chức chính trị - xã hội từ thị xã đến cơ sở đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên và Nhân dân chấp hành đúng các quy định của pháp luật về xây dựng; kịp thời phản ánh các vụ việc xây dựng vi phạm để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.
Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành
- Xác định công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Các cấp ủy và chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch phát triển đô thị, phát triển đất ở, khu dân cư và công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, nhằm khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai và quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng và trật tự xây dựng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Cấp ủy các các cấp, cơ quan, đơn vị quán triệt, giáo dục cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về xây dựng; kiểm điểm, xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm (nêu có); gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn để xem xét đánh giá kết quả thi đua hằng năm.
- Tập trung xử lý triệt để tình trạng vi phạm, tái vi phạm trong lĩnh vực trật tự đô thị; xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm lộ giới, lòng đường, vỉa hè; lắp đặt bảng hiệu, quảng cáo không đúng quy định; trưng bày hàng hóa, lắp đặt mái che, dù, lều… để buôn bán, gây mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông,... tại các trục đường chính, khu vực trung tâm xã, phường với phương châm “Triển khai đến đâu, xử lý dứt điểm đến đó”; gắn việc chấp hành quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, trật tự đô thị làm tiêu chí để đánh giá xét gia đình văn hóa ở khu dân cư hằng năm.
- Ủy ban nhân dân thị xã có kế hoạch tổ chức các đợt cao điểm giải tỏa, xử lý các vi phạm theo định kỳ và đột xuất, tập trung ở các địa bàn có nhiều vi phạm; chỉ đạo giao trách nhiệm quản lý địa bàn cho UBND xã, phường không để tái vi phạm.
Ba là, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thu hút đầu tư
- Tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, tăng cường công tác quản lý quy hoạch trên địa bàn đảm bảo phù hợp quy định, tình hình thực tế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
- Tổ chức công bố, công khai các quy hoạch, đặc biệt là các quy hoạch chi tiết để tổ chức, cá nhân biết, giám sát và thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.
- Thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, mở rộng không gian đô thị, sử dụng hợp lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tiếp tục xây dựng, phát triển đô thị đảm bảo bản sắc, văn minh và hiện đại. Hằng năm, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị và nông thôn theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt, nhất là các khu vực như: Khu trung tâm hành chính quảng trường thị xã, khu xử lý chất thải rắn tập trung, các khu quy hoạch chi tiết trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn,... Chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: Đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng,... trên các tuyến đường.
- Tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn thị xã,... Thu hút đầu tư bến xe trung tâm thị xã, xã, phường; nhà máy cấp nước, nhà máy xử lý rác tập trung, nghĩa trang,...
Bốn là, công tác kiểm tra, giám sát
- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát về quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn, đảm bảo nguyên tắc tất cả các công trình xây dựng, các tuyến đường giao thông phải được cơ quan có thẩm quyền, địa phương kiểm tra, giám sát thường xuyên theo quy định. Đồng thời, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, trật tự đô thị với nguyên tắc “không có vùng cấm”, ‘‘''không có ngoại lệ”. Công tác giải quyết đơn thư, kiến nghị của người dân được quan tâm triển khai thực hiện đảm bảo theo đúng quy định. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, các xã, phường trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy chế, quy định, kế hoạch đề ra.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc thực hiện trách nhiệm, quyền hạn quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị thuộc địa bàn quản lý.
- Phát huy hiệu quả vai trò giám sát của HĐND thị xã và các tổ chức chính trị - xã hội từ thị xã đến cơ sở trong công tác quản lý trật tự xây dựng và đô thị.
Năm là, công tác cán bộ và thi đua khen thưởng
- Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý xây dựng, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông và thực hiện quy hoạch đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định và tình hình thực tế của địa phương.
- Thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cập nhật, trang bị các kiến thức chuyên ngành. Đồng thời, tham khảo, học tập kinh nghiệm thực tiễn ở các địa phương khác để vận dụng phù hợp với đặc thù của thị xã và tuân theo hành lang pháp lý hiện hành để nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác theo dõi, kiểm tra, tham mưu xử lý vi phạm đảm bảo chặt chẽ, chính xác, đúng pháp luật. Cán bộ chuyên môn của thị xã, xã, phường phải thường xuyên bám địa bàn, phát hiện kịp thời các vi phạm, lập biên bản, hồ sơ vi phạm đúng quy định; tham mưu người có thẩm quyền xử phạt hành chính chính xác, kịp thời, đúng pháp luật; tham mưu tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định đã xử phạt.
- Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về xây dựng, nêu gương trong thực hiện các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo của Thị ủy, UBND thị xã và của cấp mình; tích cực hướng dẫn, giúp đỡ, vận động Nhân dân chấp hành đúng pháp luật về trật tự xây dựng, trật tự đô thị.
- Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị; việc chấp hành nghiêm túc các quy định có liên quan trong đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức với công tác thi đua, khen thưởng, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và bình xét danh hiệu tổ chức, gia đình văn hóa ở khu dân cư hằng năm. Địa phương nào để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thị ủy, UBND thị xã.
Thứ ba, tổ chức thực hiện
- Hằng năm, Ủy ban nhân dân thị xã, xã, phường ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quản lý trật tự xây dựng và đô thị trên địa bàn. Định kỳ hằng quý hoặc khi yêu cầu thực tế đặt ra phải tiến hành kiểm tra thực tế hoặc thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề về tình hình quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị tại các địa phương, để kịp thời chỉ đạo xử lý sai phạm.
- Hội đồng nhân dân các cấp đẩy mạnh hoạt động giám sát việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn.
- Đảng ủy các xã, phường xây dựng Nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của đảng về công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị; tạo sự thống nhất, đồng thuận, hưởng ứng, ủng hộ của nhân dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị. Chỉ đạo UBND cấp xã, phường thường xuyên tổ chức các đợt ra quân để lập lại trật tự xây dựng, trật tự đô thị. Định kỳ 6 tháng, hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ thị xã đến cơ sở tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của hội viên, đoàn viên và nhân dân trong việc chấp hành các quy định về trật tự xây dựng và trật tự đô thị; tích cực tham gia giám sát, phản ánh, kiến nghị xử lý các vụ việc vi phạm và giám sát các cơ quan chức năng liên quan trong việc xử lý vi phạm về trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn.
- Ban Tuyên giáo Thị ủy định hướng các tổ chức đảng, cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị trên các phương tiện thông tin đại chúng; biểu dương, nhân rộng mô hình các địa phương, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt; thông tin kịp thời các vụ việc vi phạm và kết quả xử lý của các cấp có thẩm quyền.
- Ủy ban Kiểm tra Thị ủy thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị; chủ động xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo quy định.
- Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Thị ủy viên được phân công phụ trách địa bàn thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình và đề xuất những giải pháp để Ban Thường vụ Thị ủy xem xét, chỉ đạo kịp thời./.
Nguyễn Thanh Sơn
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm VHTT và TT