Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Thị Thanh Hương- Ủy viên Ban Thường vụ- Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Từ ngày thành lập Đảng đến nay, Đảng luôn coi trọng vai trò của văn hóa và coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Với tinh thần trách nhiệm và với quyết tâm tạo ra những chuyển biến rõ nét hơn trên lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Thị Thanh Hương, đề nghị các cấp ủy, chính quyền tiếp tục tăng cường chỉ đạo, triển khai, quán triệt để các địa phương, cơ quan, đơn vị nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa nhằm huy động và khai thác tối đa các lĩnh vực để phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh; Cũng như cần quán triệt nghiêm túc quan điểm: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Cùng với đó, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa, tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Đồng thời, quan tâm hơn nữa với việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể hiện có tại địa phương, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”.
Hội nghị cũng được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương- Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, báo cáo Chuyên đề: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và những khuyến nghị đối với tỉnh An Giang”. Trong đó, tập trung đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; nêu lên những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Hiện nay, toàn tỉnh An Giang có 88 di tích được xếp hạng. Trong đó, có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, An Giang còn có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể rất đặc sắc, đa dạng của cộng đồng các dân tộc với trên 160 lễ hội truyền thống, chứa đựng những khoa học, lịch sử, văn hóa tạo thành nét độc đáo, riêng có của mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh./.
Hữu Ngọc