Tịnh Biên: Hội thảo về mạng lưới đột quỵ “Từ phòng ngừa nguy cơ tới cấp cứu kịp thời”

Phát biểu tại hội nghị, Bác sĩ, Chuyên Khoa II Đoàn Thanh Hùng- Phó Giám đốc sở Y tế An Giang đánh giá: An Giang là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai và phát triển sớm hệ thống điều trị đột quỵ từ năm 2019. Với 04 đơn vị điều trị đột quỵ được nhận giải thưởng do Hội đột quỵ thế giới trao tặng (WSO Angels Awards); hệ thống xe cấp cứu từ thiện rộng khắp 156 xã, phường, thị trấn được kết nối với các cơ sở điều trị. Đồng thời, Phó Giám đốc sở Y tế cũng nhận định: “Tuy nhiên, tỉ lệ người bệnh đột quỵ đến sớm trong giờ vàng còn thấp, mặc dù chúng ta có tăng từ 3% năm 2019 lên đến gần 20% cuối năm 2023, cao hơn tỷ lệ trung bình của toàn quốc từ 10-15%. Để phòng ngừa đột quỵ và điều trị đột quỵ hiệu quả, thông điệp truyền thông của ngành cần được đẩy mạnh; người bệnh cần được điều trị hiệu quả các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ. Thứ hai, là phát hiện sớm các dấu hiệu đột quỵ. Thứ ba, là nhanh chóng  đưa người bệnh đột quy đến ngay cơ sở y tế gần nhất có cấp cứu và điều trị đột quỵ cấp trong giờ vàng, dể giảm tỉ lệ tử vong, di chứng do đột quỵ”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các chuyên đề về: Thực trạng đột quỵ tại An Giang, giải pháp và định hướng; Đột quỵ do tim; phát hiện sớm và dự phòng bệnh đột quỵ trong cộng đồng – vai trò của hệ thống cấp cứu trước viện trong điều trị đột quỵ… Theo thống kê, hàng năm An Giang có khoảng 5.000 trường hợp mắc đột quỵ mới, với gần 80% trường hợp đột quỵ là nhồi máu não, 75% trường hợp bị đột quỵ trên 50 tuổi. An Giang là tỉnh ở ĐBSCL triển khai và phát triển sớm Hệ thống điều trị đột quỵ từ năm 2019. Đến nay, đã có 1.480 người bệnh đến sớm trong “giờ vàng” được điều trị kịp thời. Trong đó, 54% trường hợp phục hồi hoàn toàn, các trường hợp còn lại có tỉ lệ di chứng ở mức thấp nhất.

Dịp này, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ trao tặng máy điện tim cho Trung tâm Y tế TX. Tịnh Biên nhằm phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ đó, tuyên truyền để mọi người hiểu biết về mức độ nguy hiểm của đột quỵ, nhất là những đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch. Đồng thời, đây cũng là dịp đế cán bộ, nhân viên các cơ sở y tế tại địa phương được cập nhập, bổ sung các tiến bộ, kỹ thuật công nghệ y học trong chẩn đón và điều trị đột quỵ

Hữu Ngọc