Tịnh Biên tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2019 -2024

khuôn viên khu hành chính thị xã Tịnh Biên

Thị xã Tịnh Biên được thành lập theo Nghị quyết 721/NQ-UBTVQH15 ngày 13/02/2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội với tổng diện tích tự nhiên 35.459 ha. Dân số toàn thị xã là 30.679 hộ, 109.005 người, trong đó có 29.603 người dân tộc thiểu số (gồm dân tộc Khmer 7.798 hộ với 29.365 người, dân tộc Hoa và dân tộc khác 238 người), chiếm tỷ lệ 32,24% so với dân số toàn thị xã. Đồng bào dân tộc Khmer và đồng bào dân tộc Chăm sống tập trung ở các vùng nông thôn, đa số họ sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, một số hộ làm nghề tiểu thủ công nghiệp, làm dịch vụ mua bán nhỏ lẻ và làm thuê, mướn nên cuộc sống kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Đồng bào dân tộc Hoa sống tập trung chủ yếu ở khu vực chợ, chủ yếu là mua bán kinh doanh nên đời sống tương đối khá giả.

Khu đô thị thuộc phường Nhà Bàng, thị xã Tịnh Biên

Từ năm 2019 đến nay cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng đồng bào DTTS thị xã Tịnh Biên đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua việc thực hiện các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án với các mô hình kinh tế hỗ trợ sản xuất nên đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS,  trình độ dân trí ngày càng được nâng cao;  lĩnh vực sản xuất nông nghiệp  được tái cơ cấu, trong đó tập trung chủ yếu là chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ nền đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Đến nay, đã chuyển đổi 4.864,7 ha, đạt 121,6 ha, chủ yếu ở các xã vùng đồng bào DTTS;  triển khai dự án VnSat Phát triển nông nghiệp bền vững với tổng diện tích tham gia 11.684,2 ha, chiếm 53,6%  diện tích đất nông nghiệp toàn thị xã, góp phần nâng cao giá trị sản xuất; kết quả giá trị sản xuất 1 ha đất canh tác nông nghiệp tăng dần qua các năm: năm 2019 là 124,9 trđ đến năm 2023 là 131,3 triệu đồng/ha. 
 

Qua thực hiện 8 chỉ tiêu đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Tịnh Biên lần thứ III năm 2019. Kết quả có 07 chỉ tiêu đạt và vượt (Giảm tỉ lệ hộ nghèo; đầu tư cơ sở hạ tầng; đời sống vật chất và tinh thần người dân tộc thiểu số được nâng lên; giới thiệu việc làm; số học sinh đi học đúng độ tuổi; khám trị bệnh bằng BHYT; kiểm tra giám sát các chủ trương chính sách, đảm bảo không để các thế lực thù địch gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc).
 

Về công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp : Toàn thị xã có 968 sơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với 1.877 lao động, giá trị sản xuất 519 tỷ đồng tăng 7% so cùng kỳ; có 02 làng nghề truyền thống sản xuất, chế biến đường thốt nốt An Phú và làng dệt Khmer xã Văn Giáo, đã tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu ở địa phương và khách tham quan du lịch. Đến nay được UBND tỉnh công nhận 15 sản phẩm đạt chuẩn OCOP trong đó có 06 sản phẩm đạt chuẩn 04 sao và 09 sản phẩm đạt chuẩn 03 sao. Riêng sản phẩm rượu cà na Hòa kiều được công nhận đạt Thương hiệu Việt uy tín năm 2019 và năm 2022 sản phẩm đủa thốt nốt coq sở Tường Vy, xã An Phú đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu phía Nam tại tỉnh Tây Ninh . 
 

Về thương mại dịch vụ: Toàn thị xã có 11 chợ, 07 tụ điểm kinh doanh với gần 2.000 hộ kinh doanh, trong đó chợ biên giới Tịnh Biên thu hút khoảng 01 triệu lượt khách/năm (là chợ loại 2 trên 500 sạp, ki ốt với 248 hộ tiểu thương); trên địa bàn có 167 cơ sở dịch vụ phục vụ 40 khách/lượt và có bãi đậu xe; xây dựng chợ An Hảo đạt chuẩn an toàn thực phẩm; có 09 Cửa hàng Bách hóa xanh, điện máy xanh, Vinmart đang hoạt động. Mặt khác, Hội chợ Thương mại quốc tế tại Khu công nghiệp Xuân Tô được duy trì tổ chức định kỳ hằng năm đã khẳng định hiệu quả trong kết nối giao thương các nhà sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong, ngoài tỉnh. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 600 triệu USD tăng gấp 2 lần so năm 2020. 
 

Về dịch vụ- du lịch: Đô thị Tịnh Biên nằm trong không gian du lịch phía Tây của Tỉnh với định hướng khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội; kết nối khu du lịch Quốc gia núi Sam Châu Đốc với khu du lịch Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, tượng Phật Di Lặc trên Núi Cấm là tượng Phật trên núi cao nhất đạt Kỷ lục Châu Á (cao 33,6m), cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên và nhiều địa danh khác hình thành tuyến du lịch đặc sắc của vùng Bảy Núi. Ngoài ra, khu vực Tịnh Biên là nơi diễn ra nhiều lễ hội văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng và cúng viếng như Lễ giỗ cụ Đoàn Minh Huyên, Hội đua bò Bảy Núi, lễ hội vía Bà Chúa xứ Bàu Mướp, Tết Chol chnăm Thmây, lễ Sel Đônta,... Năm 2023, lượng khách hàng năm đến tham quan trên hơn 3,3 triệu lượt người, doanh số đạt 222 tỷ đồng, hoạt động du lịch từng bước phát triển trong vùng đồng bào DTTS như mô hình vườn Ô Một Cột, xã An Cư, điểm du lịch rừng tràm Trà Sư  xã Văn Giáo kết hợp với tham quan làng dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo, Khu du lịch Núi Cấm xã An Hảo.
 

Về giáo dục: Toàn thị xã có 69 trường học với hơn 26.124 học sinh, trong đó có 21 trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 28,99% trong đó có 9 trường trong vùng có đông đồng bào TDTTS, 01 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Tịnh Biên, 03 trường Trung học phổ thông, đặc biệt Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Tịnh Biên được đầu tư xây dựng khang trang, đạt chuẩn quốc gia với tổng kinh phí 72 tỷ đồng có 12 lớp với 358 học sinh, được đánh giá là đơn vị điển hình các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh An Giang (về chất lượng dạy học, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc dạy nhạc ngũ âm, tiếng dân tộc, công tác tổ chức quản lý nhà trường về an ninh trật tự, an toàn thực phẩm…), toàn thị xã đã thực hiện hoàn thành Chương trình phủ kín mẫu giáo phum sóc. 
 

Về y tế: Có 13/14 trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia trong đó đầu tư xây dựng mới trạm y tế Tân Lợi, Vĩnh Trung, An Cư, An Phú, Nhà Bàng, An Hảo, phòng khám khu vực Tịnh Biên, nâng cấp cải tạo trạm y tế Văn Giáo, Núi Voi, Trung tâm y tế thị xã…; thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN, riêng đối với các địa bàn xã đặt biệt khó khăn, ấp đặc biệt khó khăn đều được nhà nước hỗ trợ 100% về BHYT. Số người DTTS tham gia BHYT 28.341 người/28.834 người DTTS đang sinh sống chiếm tỉ lệ 98,29% (trong đó số người tự đóng 30% mệnh giá thẻ theo Nghị định số 75 của Chính phủ là 2.985 người).
 

Công tác chăm lo an sinh xã hội: giải quyết việc làm cũng được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể thị xã Tịnh Biên luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS, như trong dịp tết Nguyên Đán, tết cổ truyền dân tộc Chol Chhnăm Thmây, Lễ Sen Đôl-Ta thăm, tặng quà cho hộ DTTS, vận động xã hội hóa cất nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, quà Tết cho hộ nghèo, hộ khó khăn, khuyến học, xe chuyển bệnh,... mỗi năm trên 25 tỷ đồng. Công tác giảm nghèo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,77% (năm 2015) xuống còn 3,41% (cuối năm 2020) và năm 2023 chỉ còn 2,5% (tương đương 762 hộ). Trong đó 482 hộ DTTS nghèo, chiếm tỷ lệ 6,14%; giải quyết việc làm cho gần 30 ngàn lao động; xuất khẩu lao động được 103 người; mở được 49 lớp dạy nghề, với 1.433 học viên; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 27,68%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân  đạt 49,42%.
 

Mặt khác, tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn giữ vững và ổn định. Ý thức chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật ngày càng tiến bộ, góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, ổn định an ninh nông thôn, tạo thuận lợi cho nhân dân vùng đồng bào DTTS ngày càng nâng cao mức hưởng thụ vật chất và tinh thần./.                                              

Vương Long Hùng