Trải qua 50 năm, kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Tịnh Biên đã từng bước đi lên từ khó khăn, gian khổ, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa phải đương đầu với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam chống bọn diệt chủng Pôn Pốt, rồi lại tiếp tục khai hoang, phục hoá để người dân an cư, lạc nghiệp, từng bước xây dựng Tịnh Biên ngày một phát triển như hôn nay.
Điểm sáng để Tịnh Biên phát huy tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội là kể từ thời kỳ đổi mới (giai đoạn 1986-1990). Giai đoạn này, được kiên cố hoá kênh mương cho các vùng sản xuất lúa hàng hoá với diện tích lớn; có một số công trình được đầu tư như: đường điện 15KV, bệnh viện đa khoa, Khu Lâm viên Núi Cấm…
Sau 15 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân thị xã Tịnh Biên từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, ra sức lao động, đẩy mạnh phát triển sản xuất và đạt được những thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng được một số cơ sở vật chất kỹ thuật, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Đội ngũ cán bộ Đảng viên được củng cố phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Giai đoạn 1991 - 1995: Đại hội Huyện Đảng bộ lần thứ 6, nhiệm kỳ 1991 -1995 xác định các mục tiêu cụ thể:
- Hoàn thành cơ bản công tác khai hoang phục hóa; Nâng bình quân lương thực đầu người; Thực hiện lai tạo giống đạt 20% tổng đàn bò; Căn bản giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn; phủ xanh 800 ha đồi trọc; hoàn thành căn bản chương trình giao thông nông thôn. Lộ liên xã thông suốt và được nâng cấp. Lộ liên ấp cơ bản được hình thành.
- Về cơ sở hạ tầng: Được sự hỗ trợ của tỉnh cùng với sự nỗ lực của địa phương, hệ thống điện, nước và giao thông trên địa bàn được phát triển, lưới điện quốc gia phủ khắp, Bưu điện có 3 tổng đài hòa mạng; hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các khu vực đô thị được đầu tư, xây dựng các hồ chứa nước cho các khu vực vùng cao, kết nối cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các xã, thị trấn (nay là xã, phường). Toàn thị xã đã đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông thông suốt đến trung tâm các xã, thị trấn.
- Công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được quan tâm. Các địa phương đã vận động xây dựng nhà tình nghĩa cho những gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, hỗ trợ kịp thời các chế độ chính sách, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Giai đoạn 1996 – 2000: Nghị quyết Đại hội Huyện Đảng bộ khóa VII, nhiệm kỳ 1996 - 2000 đã xác định: “Tập trung phát triển kinh tế toàn diện theo hướng nông lâm nghiệp - dịch vụ và công nghiệp; phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu, đưa nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Xây dựng nền kinh tế mở theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với việc phát triển kinh tế trong huyện với thị trường của tỉnh, khu vực và thị trường Campuchia; gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội. Nâng cao dân trí và mức sống dân cư, tạo chuyển biến cơ bản văn hóa, giáo dục, y tế và các vấn đề xã hội khác; xây dựng ý thức hệ Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ đảng viên ngang tầm, nhiệm vụ chính trị hiện nay”.
Đây là thời kỳ thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Huyện đề ra 12 chỉ tiêu chủ yếu có ý nghĩa lớn, tác động tích cực đến sự tăng trưởng, trong đó các chỉ tiêu như sau:
- Phát triển diện tích sản xuất lúa lên 16.000 ha; đảm bảo 60% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 100% hộ sử dụng nước sạch; 70% hộ nhà ở khang trang. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%; mức thu nhập bình quân đầu người nâng lên 4,38 triệu đồng/người/năm, đạt chỉ tiêu Nghị Quyết. Một số công trình tiêu biểu như: Tháng 10/1999 Trạm bơm 3/2 đi vào hoạt động, tạo cơ sở hình thành khu vực sản xuất trọng điểm vùng cao xã An Cư, xã Vĩnh Trung, xã Văn Giáo. Chợ biên giới Tịnh Biên, đường lên Núi Cấm đã được khẩn trương thi công để đưa vào phục vụ sản xuất và đời sống trong năm 2001-2002. Hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước được mở rộng trên địa bàn 13/.13 xã, thị trấn. Các điểm tham quan du lịch thu hút từ 800.000 đến 1 triệu lượt người/năm. Đặc biệt, Đảng bộ Huyện luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục và đã mang lại hiệu quả thiết thực, cơ bản giải quyết xong tình trạng thiếu giáo viên, thiếu phòng học. Đồng thời, quan tâm cao việc thực hiện chính sách người có công, các hoạt động văn hóa thể thao… Công tác củng cố quốc phòng an ninh luôn đảm bảo, duy trì an ninh chính trị và đạt nhiều thành tích trong xây dựng và phát triển phong trào quốc phòng toàn dân và phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Giai đoan từ năm 2000 đến nay
Bước vào thế kỷ mới, tình hình nhiệm vụ mới luôn đặt ra nhiều thách thức, Đảng bộ và nhân dân thị xã Tịnh Biên luôn nêu cao truyền thống anh hùng, không ngán ngại khó khăn, thử thách, bằng sự nỗ lực và quyết tâm chính trị cao, từng bước tổ chức thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã của các nhiệm kỳ và đạt nhiều thành quả quan trọng, cụ thể:
- Về kinh tế: Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy thương mại dịch vụ làm khâu đột phá, nông nghiệp vẫn là nền tảng và kết quả đến nay đã khẳng định chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển, tạo bộ mặt mới ở địa phương, nhất là nâng cao đời sông nhân dân, tạo thêm nhiều việc làm trên cơ sở phát triển nhiều loại hình dịch vụ, thương mại.
+ Giai đoạn 2000-2005: Tốc độ tăng trưởng bình quân 11,08%; GPD bình quân đầu người đạt, 7,42 triệu đồng/người/năm tăng gần gấp đôi nhiệm kỳ trước; thu ngân sách tăng gần gấp 1,94 lần. Trong sản xuất nông nghiệp, chuyển vụ 100% diện tích đất hoang vào sản xuất, nâng diện tích gieo trồng hằng năm ổn định trên 35.000 ha. Tịnh Biên là đơn vị đầu tiên trong tỉnh đầu tư xây dựng Ký túc xá sinh viên tại Trường Đại học An Giang.
+ Giai đoạn 2005-2010: Phát huy và khai thác lợi thế kinh tế biên giới, Khu siêu thị miễn thuế Tịnh Biên chính thức hoạt động, có 76 doanh nghiệp tham gia hoạt động, góp phần làm cho kinh tế biên giới ngày càng sôi động; kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Tinh Biên tăng gấp 3 lần so nhiệm kỳ trước. Từ đó, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,88%; đã có 35 doanh nghiệp đăng ký đầu tư 48 dự án. Đến năm 2010, Tịnh Biên đã triển khai được 24 dự án với vốn đầu tư 438 tỷ đồng.
+ Giai đoạn từ 2010-2015 tốc độ tăng trưởng đạt 14,52%. Đặc biệt trong giai đoạn này, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện cùng địa phương dồn sức triển khai thực hiện. Năm 2015 xã Núi Voi đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên trong huyện. Nhiều sự kiện nổi bật trong giai đoạn như: Huyện đầu tư xây dựng Khu hành chính và chính thức ngày 30/4/2012 di dời trung tâm hành chính huyện từ thị trấn Nhà Bàng về thị trấn Tịnh Biên, năm 2012 cũng là năm thị trấn Tịnh Biên được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Từ năm 2018 toàn huyện có 11 xã và 3 thị trấn. Trong lộ trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Thới Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xã Tân Lợi là xã đầu tiên vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đạt chuẩn nông thôn mới. Đáng chú ý, nhiều dự án thu hút đầu tư thực sự tác động phát triển địa phương như: Cáp treo Núi Cấm; Dự án công viên trò chơi (Công viên nước Thanh Long); dự án điện năng lượng mặt trời Sao Mai, xã An Hảo, dự án điện năng lượng mặt trời Văn Giáo; các dự án nông nghiệp công nghệ cao như Trang trại Hữu cơ Bảy Núi, Công ty An Khang, Công ty Việt Thắng 3…nhiều công trình đầu tư xây dựng đã được triển khai thi công, nổi bật công trình trọng điểm như Nâng cấp đoạn quốc lộ 91đi qua, nạo vét kênh Trà Sư - Thala, nâng cấp các công trình như: khu hành chính thị xã, nhà thi đấu đa năng, bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế, trường học, các công trình thủy lợi vùng cao, các hồ chứa nước, các tuyến giao thông nông thôn, đường liên xã… tạo ra thế liên hoàn phục vụ dân sinh, du lịch dịch vụ. Công tác an sinh xã hội luôn được quan tâm kịp thời, thực hiện tốt, đầy đủ, kịp thời chính sách người có công, bảo trợ xã hội và thực hiện giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 2,5%
Ngày 13/02/2023 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 721/NQ-UBTVQH15 thành lập thị xã Tịnh Biên và thành lập các phường thuộc thị xã Tịnh Biên và ngày 25/4/2023 đã tổ chức Lễ công bố thành lập thị xã và thành lập 7 phường trực thuộc thị xã. Mặt khác, để chuẩn bị phát triển thị xã một cách tương xứng, trong nửa nhiệm kỳ qua, địa phương luôn tập trung, dồn sức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, hàng loạt các công trình quan trọng được triển khai thi công với tổng vốn đầu tư trên 557 tỷ đồng. Đây là bước ngoặt lịch sử phát triển của Tịnh Biên, khẳng định xu thế phát triển khách quan từ vị trí địa lý đến điều kiện kinh tế - xã hội và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của nhiều thế hệ nối tiếp nhau xây dựng và phát triển quê hương Tịnh Biên. Từ đó, Đảng bộ và nhân dân Tịnh Biên càng thể hiện sự quyết tâm chính trị, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị như Nâng cấp ĐT 948, 955A, 945, 949, đầu tư nâng cấp 15 tuyến đường giao thông (Hương lộ 9, đường Đình Thới Sơn, đường Đoàn Minh Huyên, đường Bàu Mướp, Hương lộ 6, Hương lộ 13, đường Tà Ngáo, đường Nam An Hòa, đường Liên xã Nhà Bàng – Thới Sơn; nhiều công trình phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa được đầu tư khang trang, tiêu biểu như: Phù điêu đua bò Nhà Bàng, Công viên, Cổng chào thị xã…
Đạt được những thành qủa như ngày nay, Đảng bộ và nhân dân Tịnh Biên đã phát huy truyền thống quê hương Anh hùng, đoàn kết, tự lực tự cường, linh hoạt, vận dụng đường lối chung và các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy vào thực tiển ở địa phương để lãnh đạo quần chúng nhân dân hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ lịch sử, trong chiến đấu cũng như trong xây dựng và phát triển địa phương.
Đảng bộ thị xã lãnh đạo chính quyền và nhân dân chủ động phát huy và khai thác tiềm năng, lợi thế của thị xã tạo nên khu kinh tế cửa khẩu làm cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận; là địa bàn trọng yếu, trung chuyển giao thông đường bộ kết nối các trung tâm thành phố lớn như thành phố Châu Đốc, Long Xuyên, tỉnh An Giang, thành phố Hà Tiên, Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, thành phố Cần Thơ và một số khu vực lân cận; là đầu nối của tuyến đường xuyên Á kết nối giao thương và tour, tuyến du lịch với các nước lân cận.
Với địa hình miền núi, cảnh quan hùng vỹ với nhiều khu, điểm du lịch đặc sắc như Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng khác… thu hút trên 3 triệu lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, thưởng lãm mỗi năm. Bên cạnh đó, có nhiều sản phẩm đặc trưng, đa dạng, phong phú của miền núi tạo nên sắc thái độc đáo, góp phần thu hút ngày càng đông khách du lịch.
Việc xây dựng và phát triển thị xã Tịnh Biên luôn là thách thức lớn, bởi còn nhiều khó khăn do xuất phát điểm từ địa bàn miền núi, biên giới và có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tịnh Biên luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương Anh hùng, đoàn kết chặt chẽ, giữ vửng niềm tin để cùng nhau ra sức thi đua đưa kinh tế, xã hội ngày một phát triển, nâng cao đời sồng vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng quê hương Tịnh Biên ngày càng đổi mới./.
tác giả: Lê Văn Hiệp
Ban Tuyên giáo và Dân vận Thị uỷ Tịnh Biên