Thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các địa phương xác định cụ thể các tiêu chí, chỉ tiêu theo thứ tự ưu tiên, dồn sức thực hiện những nội dung theo phương châm dễ làm trước, khó làm sau và cả hệ thống chính trị chung tay vùng nhân dân địa phương đồng tâm hiệp lực cùng nhau thực hiện, không trông chờ ỷ lại, theo chức trách nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cụ thể để xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình và các giải pháp thiết thực, phù hợp vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể ở địa phương. Kết quả đến cuối năm 2023, toàn Tịnh Biên có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó xã Thới Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xã Tân Lợi là xã đầu tiên có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đạt chuẩn nông thôn mới, sau khi thành lập thị xã Tịnh Biên và thàng lập 7 phường trực thuộc thị xã thì thị xã Tịnh Biên chỉ còn xã Tân Lợi là xã nông thôn mới và đang tiếp tục xây dựng xã Vĩnh trung và xã An Nông đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, Tịnh Biên đồng loạt triển khai các nội dung, thực hiện vốn đầu tư phát triển nhằm đảm bảo yêu cầu về cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, cơ sở chính trị…nguồn vốn sự nghiệp triển khai thực hiện các mô hình sản xuất phục vụ xây dựng nông thôn mới, cụ thể năm 2022 đã triển khai 16 mô hình với kinh phí 1 tỷ 507 triệu đồng, năm 2023 triển khai 16 mô hình với kinh phí 1 tỷ 520 triệu đồng và năm 2024 đang thành lập Hội đồng thẩm định và xét chọn danh mục mô hình, tiến hành khảo sát thực tế đảm bảo hiệu quả thiết thực. Đánh giá hiệu quả các mô hình, mô hình tưới trên cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì vậy trong năm 2022 và 2023 nông dân mạnh dạn đăng ký thực hiện chuyển đổi từ đất sản xuất kém hiệu quả, vườn tạp thành vườn cây ăn trái có những bước chuyển biến tích cực như tại Thới Sơn chuyển từ vườn tạp sang trồng cây chúc, xã An Cư chuyển từ vườn tạp sang trồng sầu riêng ứng dụng hệ thống tưới và pin năng lượng mặt trời. Về chăn nuôi nhiều mô hình được đề xuất với tính mới và hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi hươu sao lấy nhung tại phường Núi Voi và Thới Sơn. Mô hình Nuôi heo rừng lai: đã cho thấy hiệu quả bởi các điều kiện tự nhiên cơ bản, phù hợp các nông hộ chưa có nhiều kinh phí đầu tư.
Những kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tịnh Biên thực sự là nét đột phá, tạo sự chuyển biến rõ nét thể hiện qua chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người ở các xã như Văn Giáo từ 34,9 triệu đồng/người/năm tăng lên 43 triệu đồng/người/năm, xã Vĩnh Trung từ 20,8 triệu đồng nay tăng lên 62,7 triệu đồng/người/năm, xã Tân Lợi từ 48,5 triệu đồng tăng lên 56,3 triệu đồng, xã An Nông từ 24,1 triệu đồng tăng lên 57,2 triệu đồng và các xã khác đều nâng lên. Bên cạnh đó, trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng về giao thông đã tạo thuận lợi trong việc đi lại, giao thương, kết nối các khu dân cư, các điểm tham quan, du lịch, kết nối các khu vực trung tâm đến các vùng dân cư tạo thế liên hoàn, tác động hỗ trợ phát triển mọi mặt từ thương mại, dịch vụ du lịch đến sinh hoạt đời sống thường ngày và góp phần nâng cao mức hưởng thụ vật chất và tinh thần của nhân dân.
Bộ mặt nông thôn thị xã Tịnh Biên thực sự khởi sắc với những nét đột phá trong xây dựng nông thôn mới, trong tương lai không xa, Tịnh Biên tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đô thị văn minh sẽ tạo động lực mới, chủ động phát triển nhanh và bền vững./.
Vương Long Hùng